Văn hóa Óc Eo - Thoại Sơn

I- Vài nét về nền văn hóa Óc Eo
Ở đùng Thoại Sơn –khá rỗang có một di tích rất nổi tiếng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến là khu di tích văn hóa Óc Eo – dấu vết của vương quốc Phù Nam xưa, vốn là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á cách nay khoảng 2000 năm.
Đếnl với Óc Eo (An Giang) du khách sẽ có cơ hội tham quan, khám phá một địa điểm du lịch lịch sử của một nền văn minh cổ, khác hẳn với những thắng cảnh thiên nhiên đẹp khác của An Giang như núi Sam, núi Cấm… nhưng cũng không kém phần đặc sắc và thú vị khi khám phá ra một nền văn minh đã vắng bóng từ lâu.
Di chỉ khảo cổ học cũng là nền văn hóa khảo cổ học, có trung tâm là khu vực núi Ba Thê, thuộc địa bàn thị trấn Óc Eo và các xã Vọng Thê, Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Di chỉ được phát hiện và công bố năm 1944 bởi một học giả người Pháp tên là Louis Malleret. Đây là nền văn hóa hình thành và phát triển trong vùng đồng bằng Nam Bộ khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Nền văn hóa này đã và đang ẩn chứa những thông tin quý giá về những sáng tạo kỳ diệu của cư dân bản địa thời kỳ Vương quốc Phù Nam.
Hiện tại Óc Eo nằm sâu trong đất liền hơn 20 km nhưng theo các nhà địa chất, vào khoảng đầu Công nguyên, Óc Eo là một cửa biển thông qua vịnh Thái Lan. Khu vực này nằm trên trục đường thương mại hàng hải giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ, một bên là sông Mê Kông và Trung Quốc, do đó Óc Eo trở thành một địa điểm trung chuyển rất thuận lợi. Đến thế kỷ VI - VII, các thương thuyền có thể di chuyển ngoài khơi xa với khoảng cách lớn hơn mà không phải dừng lại khắp nơi hay đi dọc theo bờ biển. Óc Eo mất dần vị thế hấp dẫn, sức thu hút giảm dần vì hàng hóa không phu phú lắm. Sự trỗi dậy của Chân Lạp và thương mại vùng Mê Kông góp phần đẩy Óc Eo bước vào thời kỳ suy sụp.
Bảo tàng văn hóa Óc Eo

II- Quá trình khảo sát
Vào thập niên 1920, nhà khảo cổ học người Pháp tên là Louis Malleret đã dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam và phát hiện ra khu vực quanh chân núi Ba Thê có nhiều khả năng ẩn chứa các di chỉ của một nền văn hóa cổ. Trước đó, năm 1913, người dân địa phương đã phát hiện tại đây một tượng Phật bốn tay có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Ngày 10-02-1944, nhóm chuyên gia khảo cổ do Louis Malleret chủ trì đã tiến hành khai quật khu vực Giồng Cát, Giồng Xoài chạy dài qua 2 huyện Thoại Sơn (An Giang) và Hòn Đất (Kiên Giang), trung tâm là xung quanh chân núi Ba Thê. Họ đã phát hiện dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cổ cùng với nhiều hiện vật như: hạt cườm, mảnh vàng, đồ trang sức được chế tác tinh xảo....Khu vật tìm thấy hiện vật có diện tích khoảng 450 ha. Malleret nhận định đây có lẽ là một trung tâm thương mại lớn của Vương quốc Phù Nam, từng được miêu tả qua các thư tịch cổ Trung Hoa, ông đặt tên cho khu di chỉ là Óc Eo.
Bản đồ giao thương
Óc Eo đã từng được nối bằng một kênh đào dài 90 km về phía Bắc với Angkor Borei, nơi có lẽ là thủ đô của Vương quốc Phù Nam. Từ kênh đào này, có các kênh đào nhánh tách ra xung quanh tạo thành các hình chữ nhật đều đặn. Bên trong các khu vực hình chữ nhật này còn sót lại những dấu tích của các khu sản xuất đồ nữ trang, thủ công mỹ nghệ, các móng nhà bằng gỗ và bằng gạch....Các viên gạch được trang trí bằng các hình sư tử, rắn mang bành, động vật một sừng và các động vật khác.
Cuộc khai quật đầu tiên của Malleret đã tiến hành với 24 điểm. Cho tới nay, trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm có giá trị khảo cổ học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Tính đến năm 1975, bộ sưu tập về văn hóa Óc Eo - Ba Thê đã có 3.969 hiện vật. Trong đó bao gồm: 498 đồ vàng, 137 đồ bạc, 4 chì, 83 thiếc, 149 đồ đồng, 2.749 đồ đá màu (trong đó có 2.522 chuỗi hạt, 79 đồ đá khác, 285 đất nung, 7 đồ gỗ và một số hiện vật không xác định rõ). Theo Louis Malleret, thành thị Óc Eo được thiết kế theo hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 1.500 m, chiều dài 3.000 m.
Khuôn gốm
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, khai quật tại hầu khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ. Họ đã tìm thêm nhiều di chỉ thuộc nền văn hóa Óc Eo ở các vùng Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, ven biển Tây Nam, vùng rừng sác Duyên Hải, vùng ven biển Đông, vùng Đông Nam Bộ. Năm 1983, phát hiện thêm di cốt động vật như: lợn, trâu bò, hươu, voi, rùa, chuột, cá các loại. Dấu tích hoạt động của các ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề kim hoàn… quan hệ thương mại, sự thịnh hành của tôn giáo… còn lưu lại qua các vật liệu kiến trúc, đồ trang sức, tượng thờ, và phế tích các ngôi đền, mộ đá hỏa táng tại các di chỉ này.
Trong những năm qua, Bảo tàng An Giang đã phối hợp cùng Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khảo cổ Hà Nội tiến hành khảo sát và khai quật một số loại hình tại khu vực núi Ba Thê và một số nơi khác trong tỉnh. Liên tiếp trong 3 năm, từ 1998 đến 2000, các nhà khảo cổ khai quật 2 di chỉ ở núi Ba Thê là khu kiến trúc, mộ táng nằm phía Nam chùa Linh Sơn và khu Gò Cây Thị nằm dưới đồng bằng. Kết quả cho thấy, đây là một dạng kiến trúc cung đình mang tính cách tôn giáo, được xây dựng rất xưa và tồn tại đến thế kỷ thứ IX. Đặc biệt, qua đợt khai quật cũng phát hiện mộ chum cải táng bằng gốm thô đường kính 0,67 m, cao 0,4 m, trong chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi bằng vàng và một mảnh chuỗi vỡ. Tỉnh An Giang đã xây dựng mái che cho 2 di tích này, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, nhằm phục vụ khách tham quan và công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tỉnh cũng đã cho xây dựng nhà trưng bày cổ vật Óc Eo trên núi Ba Thê. Từ năm 2004 đến nay, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật trên diện tích trên 400 m2, thu được gần 50.000 hiện vật đa dạng về chủng loại và phong phú về loại hình. Xét về chất liệu, số hiện vật này gồm đồ gốm, đá, kim loại và xương.
Các di chỉ tiêu biểu thuộc văn hóa Óc Eo
- Bình Tả
- Giồng Am
- Giồng Cá Vồ
- Gò Ba Động
- Gò Bảy Liếp
- Gò Bắc Bung
- Gò Bói
- Gò Chòi Tiên
- Gò Chùa
- Gò Công Éc
- Gò Hàng
- Gò Ô Chùa
- Gò Thành
- Gò Tháp
- Gò Xoài

III- Sức sống Việt trong văn hóa Óc Eo
Cư dân Óc Eo cổ cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo. Hình thức này được duy trì và phát triển trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 10 -12 .
Óc Eo đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Nơi đây minh chứng khả năng thích ứng cao của người dân đồng bằng sông Cửu Long cổ với điều kiện tự nhiên.
Cụm di tích này được phát hiện từ những năm 90 của thế kỷ 20 do nhà khảo cổ học người Pháp L.Malleret khi ông dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam và phát hiện ra địa điểm này cùng với nhiều kênh đào và các thành phố cổ khác. Ông cũng nhận thấy một kênh đào đã cắt tường thành của khu vực này rất rộng. Malleret nảy ra ý định tìm hiểu các cấu trúc khu vực này. Ngày 10/2/1944, ông bắt đầu đào các hố khai quật và phát hiện được di vật cùng nền móng các công trình chứng minh cho sự tồn tại của một địa điểm thương mại lớn mà trong nhiều thư tịch của Trung Hoa cổ đã miêu tả về vương quốc Phù Nam.
Núi Ba Thê, một địa điểm nằm trong quần thể di chỉ Ốc Eo. Theo L.Malleret, khu vực này rộng chừng 450 ha. Cuộc khai quật đầu tiên của ông đã tiến hành với 24 điểm. Cho tới nay, trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm có giá trị khảo cổ học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Các đợt khảo sát, nghiên cứu khai quật tại Óc Eo từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay chủ yếu do Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại TP HCM phối hợp với Bảo tàng An Giang, Kiên Giang và Trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện.
Quần thể di tích phân bố trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo. Cánh đồng Óc Eo, phẳng và thấp, trải rộng trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Khu vực này có hình tứ giác, mỗi cạnh khoảng 15 km, với đường biên phía Bắc chạy từ núi Sập đến vùng núi Ba Thê, phía Tây từ núi Ba Thê (An Giang) đến khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang), phía Nam từ khu di tích Nền Chùa đến di tích Đá Nổi (Kiên Giang).
Núi Ba Thê là đỉnh cao nhất trong nhóm núi tạo thành từ hoa cương. Gò Óc Eo cách chân núi Ba Thê khoảng hơn 1km về phía Tây Nam. Dấu vết của con kênh cổ, gọi là Lung Lớn (đường nước trung tâm của thành thị Óc Eo), nối liền hai di chỉ Óc Eo và Nền Chùa vẫn còn đậm nét trên hiện trường.
Xưa kia, Óc Eo là một thương cảng nằm trên bờ Lung Lớn, có vòng thành bằng đất, hào nước xung quanh dạng chữ nhật, dài 3 km (hướng Đông Bắc - Tây Nam), rộng 1,5 km. Lung Lớn chạy xuyên qua trục dọc của thành phố theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, với tiền cảnh là Nền Chùa, cách 15 km về hướng Tây Nam, và đổ ra Vịnh Thái Lan.
Tượng chim thần

IV- Các di vật văn hóa Ốc Eo
Hiện, ở Nam Bộ còn lại các kiến trúc cổ đền tháp, di tích cư trú kiểu nhà sàn kéo dài dọc sông rạch và trên các giồng gò cao giữa đồng bằng (nhiều nơi đã thành phế tích)... Các cuộc khai quật đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng tứ giác Long Xuyên. Các kênh đào này được coi là thành quả nhân tạo đầu tiên về lịch trình mở mang kênh đào ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Hệ thống kênh đào này tiện lợi cho giao thông đường thủy vừa là hệ thống thủy lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật quý giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần tồn tại ngay trong địa tầng văn hóa (in-situ)... Đặc điểm nổi bật của cư dân văn hóa Óc Eo là lối cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, hoặc chọn các gò, giồng cao xây dựng những trung tâm sinh hoạt tinh thần, mở rộng khu vực xung quanh làm nơi cư trú, tiến đến mở rộng địa bàn canh tác. Cư dân cổ đã duy trì và phát triển cuộc sống này, trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 10 - 12.
Tượng gốm và gỗ
Gần đây, trong ba đợt khai quật liên tiếp từ năm 2004 đến nay, trên diện tích trên 400m2, các nhà khảo cổ đã thu được gần 50.000 hiện vật đa dạng về chủng loại và phong phú về loại hình. Xét về chất liệu, số hiện vật này gồm đồ gốm, đá, kim loại và xương. Những hiện vật đó thuộc nền văn hóa Óc Eo. Qua khảo sát và nghiên cứu địa tầng, cổ vật cho thấy: Để có thể tồn tại và phát triển, cư dân Óc Eo - điển hình là tại tiểu vùng thượng châu thổ - đã tạo dựng một lối sống thích hợp với những điều kiện đặc thù, biết và dám chấp nhận khai thác những mùa nước nổi, nước lên theo chu kỳ hàng năm để mang lại nguồn lợi cho mình.
Đồng Tháp Mười (phần đất thuộc Đồng Tháp và Long An) có những địa danh nổi tiếng đều bắt nguồn từ tên gọi một khu di tích phân bố trong vùng trung tâm như: Gò Tháp thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo. Gò này cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 3,8m, diện tích chừng 4.500 m2. Từ những cuộc khảo sát của L.Malleret đã phát hiện trên gò có nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, yoni, cột... (như 3 cột lớn bằng đá hoa cương mặt cắt ngang hình vuông cạnh 0,48 m, dài 1,56 m, 1,10 m và 1,42 m, một đầu có chốt đầu kia có mộng để ghép nối theo chiều cao). Dấu tích rõ ràng nhất là kiến trúc gạch dài 17,30 m theo hướng Đông - Tây, rộng 12 m (Bắc - Nam), cạnh bẻ góc, đối xứng hai phần Bắc - Nam, cho thấy kiến trúc khá quy mô và có liên quan đến nhiều kiến trúc khác xung quanh. Di vật gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số mảnh vỡ của Yoni, tượng Visnu, khuôn đúc, đặc biệt có 2 tượng Visnu rất đẹp tuy không nguyên vẹn. Ngoài những phát hiện của các học giả Pháp, có những nghiên cứu mới từ sau năm 1975. Nhiều cổ vật của Văn hóa Óc Eo còn được phát hiện tại di chỉ cư trú Gò Minh Sư, đã được các nhà nghiên cứu tổ chức khai quật 3 lần. Dấu tích cư trú phân bố dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng thấp xung quanh. Người ta tìm thấy trong di chỉ nhiều di vật đá, đồ đất nung gồm mảnh ngói, tượng khỉ, dấu ấn, mảnh phù điêu, vòi yoni... Đồ gốm khá phong phú. Tại đây có tới hơn 18.000 mảnh, gồm các loại bình, vò nồi, nhiều mảnh lớn có thể phục nguyên được, có lẽ đây là những hiện vật nguyên vẹn đã bị sụp vỡ. Nhóm hiện vật vàng ở Gò Tháp có đến 321 mảnh, chạm khắc hình tượng các vị thần, linh vật, hoa văn... Từ các cứ liệu C14, văn khắc và tiếu tượng học những mảnh vàng này đã cho biết niên đại của chúng không đồng nhất, thể hiện ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ trong thời gian khá dài, từ TK 4 - 5 trước Công nguyên đến TK 5 sau CN.
Khu di tích Gò Tháp nổi tiếng với các pho tượng Phật bằng gỗ - di vật đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Tuy phần lớn tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa, làm ruộng nhưng số lượng lớn, sự phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, vừa bộc lộ nét bàn địa chân chất, giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào tại chỗ. Chất liệu gỗ mù u làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Óc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây. Thế kỷ 6 - 7 là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp là một minh chứng.
Tại di tích Linh Sơn Nam (Ba Thê - An Giang) trong cuộc khai quật của trường Viễn Đông bác cổ và Trung tâm Khảo cổ học Viện Khoa học Xã hội TP HCM cũng xuất lộ vò chứa than tro nhưng đơn lẻ và có tính chất khác biệt về hình thức chôn cất cũng như niên đại so với di tích mộ táng ở Gò Minh Sư.
Hình thức cư trú theo mùa của cư dân xưa thể hiện trên các đồi thấp bên cạnh các lạch trũng nhỏ và quá trình bồi đắp để mở rộng diện tích sử dụng là một đặc điểm phổ biến của giai đoạn văn hóa Óc Eo ở đây. Bên cạnh các di vật Óc Eo điển hình, một số di vật ngoại nhập còn có những mảnh gốm có đặc điểm của thời tiền sử, cho thấy di tích này trong khu di tích Gò Tháp không chỉ là một trung tâm văn hóa Óc Eo phát triển, có mối quan hệ rộng rãi với thế giới bên ngoài mà còn có lịch sử phát triển lâu đời hơn những gì đã biết đến nay.
Ngoài di chỉ cư trú ở chân Gò Minh Sư, trong khu di tích Gò Tháp còn có một số di chỉ khác như Miếu Bà chúa Xứ, Đìa Phật, Đìa Vàng, khu mộ Đốc Binh Kiều, một vài gò nhỏ xung quanh... Trong các di chỉ này tìm thấy vết tích bếp lửa, mảnh gốm ám khói, than củi, phế thải bếp núc, xương trâu bò, vỏ dừa, hạt lúa, trái cây, gỗ có vết gia công, nhiều cọc gỗ nhà sàn, đặc biệt nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu hiệu của một xưởng thủ công chuyên chế tác loại tượng này... Niên đại của những di chỉ cư trú này kéo dài từ thời kỳ Tiền sử muộn đến thời kỳ văn hóa Óc Eo. Cùng với những di chỉ cư trú khác trong vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, nhóm di chỉ cư trú ở khu di tích Gò Tháp đã mang lại nhiều tư liệu mới để tìm hiểu về chủ nhân văn hóa Óc Eo.
Các cuộc điều tra và khai quật còn ghi nhận dấu tích của nhiều con kênh đào cổ từ khu vực di tích này tỏa đi nhiều nơi trong Đồng Tháp Mười như: Gò Đế, Gò Hàng, Gò Bảy Liếp, Đìa Tháp, Gò Vĩnh Châu A. Gần đây, qua các đợt khai quật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều khu đất giồng có lưu trầm ẩn tích nhiều di chỉ, hiện vật thời văn hóa Óc Eo ở Giồng Nổi (Bến Tre) và một số nơi khác. Trên địa bàn Long An có tới 100 di tích văn hóa Óc Eo với 12.000 hiện vật, đặc biệt là quần thể di tích Bình Tả, gồm ba cụm di tích: Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước. Ở Tiền Giang, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật văn hóa Óc Eo ở Gò Thanh (huyện Chợ Gạo). Di tích này được Bộ VHTT công nhận Di tích quốc gia (Quyết định số 3211 QĐ/BT ngày 12-12-1994)...
Theo nhà nghiên cứu khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, nhiều thế kỷ qua, dù có những thay đổi về kinh tế, xã hội từ thế kỷ 7 nhưng sau đó, cuộc sống của cư dân cổ ĐBSCL vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống (vật chất, tinh thần) của văn hóa Óc Eo.
Tổng thể di tích
Phần Số 1
Phần số 2
Phần số 3
Phần Số 4
Từ hình trên các bạn có thể thấy quy mô, hình thể bố trí của thành Óc Eo xưa. Trải qua hàng nghìn năm vẫn giữ lại được một số di tích có diện tích khá lớn.
Có thể hàng nghìn năm trước nó có hình dạng thế này chăng?

V-  Kỹ thuật
 Tại  nhiều nơi nhất là tại  Gò Thành thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo,  Louis Malleret phát hiện 3 loại di chỉ gồm di chỉ kiến trúc, di chỉ mộ táng và di chỉ cư trú với trên 270 hiện vật, trong đó có 196 hiện vật bằng vàng,  22 hiện vật bằng đá (có 2 pho tượng Thần Visnu  và Nam Thần), 47 hiện vật bằng đất nung,  ông  phát hiện được 12 mộ táng có huyệt hình gần như vuông, chôn trong một gò đất đắp được xử lý rất phức tạp. Qua phân tích, di chỉ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VIII. 
Rồi  qua những lần khai quật các di chỉ khảo cổ học Óc Eo  ở gò  Ô Chùa vùng Đồng Tháp Mười, ở Giồng Cá Vồ thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và ở Giồng Lớn thuộc xã đảo Long Sơn, Vũng Tàu, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều loại di vật, đồ trang sức bằngvàng, thủy tinh, mã não, hồng ngọc, các công cụ sắt, nồi rót kim loại, đồ gốm, đồ đá...    Những phát hiện nêu trên   giúp chúng ta  nhận định về  kỹ thuật của cư dân văn hóa Óc Eo như sau :     
  
1/-    Nấu thủy tinh
   Việc khai quật hàng loạt di chỉ từ Đồng Nai tới Kiên Giang mang về hàng vạn hiện vật đá, mã não, thạch anh, thủy tinh….được chế tác thành vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền, hạt chuỗi, dùng làm đồ trang sức với nhiều màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng khác nhau.
“Thủy tinh là chất liệu người Óc Eo đã tự chế tác được. Hiện vật trang sức thủy tinh Óc Eo trong đó có nhẫn và các hạt chuỗi luôn được đánh giá cao về thẩm mỹ, kể cả đến bây giờ”.

2/-     Đồ  gốm:
Đồ gốm có mặt trong hầu hết các di tích khảo cổ là loại hình hiện vật thể hiện truyền thống bản địa nhất. Các hiện vật gốm là đồ gia dụng ,vật liệu xây dựng và đồ trang trí kiến trúc:

a/  Đồ gia dụng
Đồ gia dụng gồm: bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai… và cả bếp lò.
Bình gốm thì  có nhiều loại, loại nào cũng có vòi..
Bếp lò  được người Khmer hiện nay ở đồng bằng sông Cưủ Long gọi là  “cà ràng” Đây là vật dụng quen thuộc và rất cần thiết cuả cư dân sống ở vùng ven biển và sông rạch, trên nhà sàn hay trên ghe xuồng. Bếp lò gốm đã xuất hiện trong các di tích cư trú và cả trong mộ táng (với chức năng là đồ tuỳ táng) từ thời tiền sử ở lưu vực sông Vàm Cỏ - Đồng Nai và trở thành di vật đặc trưng cuả văn hóa Óc Eo. Hiện nay bếp lò gốm phổ biến ở nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á.

b/  Vật liệu xây dựng và đồ trang trí kiến trúc
Gạch  là vật liệu xây dựng. Các viên gạch: được trang trí bằng các hình sư tử, rắn mang bành,động vật một sừng và các động vật khác. Còn  phù điêu là vật liệu trang trí kiến trúc. Cả gạch và phù điêu được làm  bằng đất nung. Gạch và phù điêu là những di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo.        

3/- Điêu Khắc: Tạc tượng  và Chạm trổ  trên đá và kim loại quý.

a/  Tạc tượng
Tượng thờ Bàlamôn và Phật giáo  được  tạc bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ cả miền Tây và miền Đông. Có những pho tượng Phật bằng gỗ khá lớn và độc đáo như sưu tập tượng gỗ ở di tích Gò Tháp. Những hiện vật này thuộc  giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc  văn hóa Óc Eo  tương ứng với thời kỳ  Hindu giáo và Phật giáo  thịnh hành từ thế kỷ V đến thế kỷ VII. Phong cách điêu khắc vừa phản ánh rõ nguồn gốc ảnh hưởng từ nghệ thuật Ấn Độ, vừa thể hiện xu hướng bản điạ hóa. Truyền thống nghệ thuật này còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ thế kỷ VIII trở đi, mà nhiều nhà nghiên cứu tạm gọi là giai đoạn hậu Óc Eo.

b/   Chạm trổ
Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi hình mặt người, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí . Cũng  có những con dấu và  nhẫn bằng vàng, bạc, hợp kim thiếc, bề mặt khắc hình người, động vật. Ngoài ra còn Có một số bia đá chạm khắc bằng  dạng chữ Phạn cổ (Brami) thế kỷ V.
Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc  (Tạc tượng, Chạm trổ )   là từ TK 5 đến TK7. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện xu hướng hiện thực – bản điạ hóa các hình tượng linh thú, thần thoại, tôn giáo (Ấn Độ giáo và Phật giáo) mặc dù  chịu ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ,. Truyền thống nghệ thuật tượng cổ ở Nam bộ còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ TK 8 trở đi mà nhiều nhà nghiên cưú tạm gọi là “giai đoạn hậu Óc Eo”..

4/-  Kiến trúc

a/   Đền tháp
Đền tháp được  xây  bằng gạch đá . Người  xưa  dùng kỹ thuật xây nền và tường gạch dày đặc và lắp ráp những phiến đá granit lớn bằng mộng, chốt. Vật liệu xây dựng gồm gỗ, gạch, đá.  Gỗ và đá là nguyên vật liệu cư dân bản điạ quen dùng từ thời tiền sử,    còngạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật cuả Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Vật liệu đá có kích thước rất lớn, được lắp ghép-kết nối bằng kỹ thuật chốt.
Đền tháp theo kiểu Ấn Độ có bình đồ hình vuông, nền móng dày đến hơn 1m xây bằng gạch, đất sét và đá sỏi để có thể chịu lực cuả công trình đồ sộ bên trên

b/   Nhà ở
Nhà ở thì được làm  bằng gỗ hay xây dựng  bằng gạch  trên một  nền móng  vững chắc. Các toà nhà rộng hơn  thì thường  xây  bằng gạch .
Nơi cư trú đất thấp thì -cất nhà sàn bằng gỗ  trên các cọc  và - thực hiện một hệ thống kênh đào . Dấu vết còn quan sát được trên hiện trường là  kênh đào tỏa rộng ở nhiều nơi trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.

c/   Mộ táng
Mộ táng  được  xây  bằng gạch đá. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Các nhà khảo cổ học Việt đã phát hiện được trong các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng cuả Bàlamôn hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tuỳ táng khác
Di chỉ mộ táng

5/ -  Luyện kim
   Việc khai quật hàng loạt di chỉ từ Đồng Nai tới Kiên Giang mang về hàng vạn hiện vật có giá trị, trong đó có nhiều hiện vật và nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc, thiếc, kim hoàn. Khu vực còn những dấu tích cho thấy các khu sản xuất đồ nữ trang, cho thấy các "hình khối" dùng để rót kim loại, cho thấy nét tài hoa của thợ kim hoàn thể hiện rõ trên đồ trang sức.
 Các  hiện vật vàng y còn nguyên vẹn với những thiết kế đòi hỏi bàn tay khéo léo: kìa  một chiếc vòng tay xoáy trôn ốc ôm lấy cánh tay, một chiếc nhẫn vàng mặt có dập chữ Phạn,  một chiếc nhẫn vàng được nạm thủy tinh màu, trông không khác một chiếc nhẫn nạm ngọc bích. Kìa  có những lá vàng dập nổi hình mặt người hoặc chạm khắc bằng kỹ thuật  khắc miết tạo ra hình và chữ trên lá vàng.
 Xin chú ý Các  hiện vật hợp kim thiếc màu phổ biến thì  nguyên liệu và kỹ thuật sản xuất đến từ bán đảo Malaysia – khu vực có trữ lượng thiếc vào loại nhiều lớn thế giới và nghề truyền thống chế tạo đồ thiếc còn nổi tiếng đến ngày nay.
Sau  đây  xin   trưng  bày   một số   hiện vật luyện kim của văn hóa Óc Eo

Nhẫn vàng
Tiền bằng kim loại thế kỷ III - VIII

VI-   Thương Mại và Giao lưu văn hóa
Các loại tiền, con dấu, con nêm.. được phát hiện khi khai quật các hiện vật  của văn hóa Óc Eo  là dấu vết chỉ ra con đường vương quốc Phù Nam thông thương với nhiều nước qua Vịnh Thái Lan.

1-/  Thương Mại
Phù Nam được biết đến trong lịch sử như một cường quốc thương nghiệp. Từ giữa thế kỷ thứ III - VI, Phù Nam khống chế nền thương nghiệp hàng hải ở Đông Nam Á và bành trướng lãnh thổ, đem quân đi chinh phục hơn "10 vương quốc làm phiên thuộc", trong đó có Lâm Ấp (Chiêm Thành).
Chính tư tưởng trọng Thương và chính sách bành trướng lãnh thổ đã tạo ra nạn cát cứ, phân tán quyền lực đưa Phù Nam đến sự suy vong vào thế kỷ thứ VII.       

2-/  Giao lưu văn hóa
Lý do quan trọng nhất cho sự thịnh vượng của Óc Eo là do vị trí của nó trên trục đường thương mại trên biển giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ và bên  kia là sông Mê kông cùng với Trung Quốc
Văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với:

a/ Văn hóa Đông Sơn: Hoa văn trang trí và hiện vật đồng kiểu tương tự như văn hóa Đông Sơn

b/  Văn hóa Ấn Độ
Văn hóa Óc Eo  chịu ảnh hưởng của nền Văn hóa Ấn Độ rất đậm nét, thể hiện qua kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo (Ấn Độ giáo, Phật giáo). Khoa khảo cổ tìm thấy các tượng thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, hoa văn chạm chìm, con dấu, văn tự… Ấn Độ)
Nghệ thuật Phật giáo và Ấn Độ giáo đến đồng bằng sông Cửu Long thông qua giao lưu trao đổi các vật phẩm chủ yếu bằng đường biển, chúng góp phần làm giàu thêm văn hóa bản điạ và là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự hình thành, phát triển các trung tâm tôn giáo - văn hóa - kinh tế - chính trị lớn ở vùng đất này trong những thế kỷ đầu Công nguyên

c/ Văn hóa thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông: huy chương La Mã, hoa văn trang trí, hình chạm chìm, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã, hình tượng vua Ba Tư….

d/  Văn hóa Trung Hoa: mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ.

VII- Kết quả nghiên cứu
Kết quả khai quật đã đem về cho các bảo tàng ở Nam Bộ hàng vạn hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa, đa dạng về chất liệu cũng như nguồn gốc. Những hiện vật này cho thấy trình độ kỹ thuật khéo léo cũng như độ tinh xảo trong nhiều nghề thủ công của cư dân Óc Eo. Văn hóa Óc Eo đã hình thành và phát triển trên một cơ tầng văn hóa bản địa vững chắc. Các nhà khảo cổ học đã bước đầu lần tìm và chứng minh sự phát triển trực tiếp của văn hóa Tiền Óc Eo tới Óc Eo. Những kết quả nghiên cứu này đã bác bỏ ý kiến của các học giả nước ngoài cho rằng văn hóa Óc Eo hình thành từ các vùng đất thực dân của người Ấn Độ.
Hiện vật Óc Eo được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các hiện vật này, du khách có thể thấy được đời sống vật chất, đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân Vương quốc Phù Nam. Đồ gốm trong các di tích thuộc văn hóa Óc Eo rất phong phú về loại hình. Điểm nổi bật là có cổ và miệng hẹp, những chiếc ấm có vòi với nhiều loại nắp mang phong cách riêng, hoa văn khắc vạch được vẽ bằng loại bút nhiều răng. Cư dân Óc Eo đặc biệt ưa thích đồ trang sức bằng vàng và đá quý. Bộ sưu tập tiền với nhiều loại chất liệu: bạc, đồng, kẽm, có những đồng tiền được cắt tư, cắt tám để làm tiền lẻ khá phổ biến ở nhiều di tích ven vịnh Thái Lan, bán đảo Mã Lai và Myanmar. Điều này cho thấy cả một dòng thương nghiệp nối liền Óc Eo với Ấn Độ Dương bằng đường biển thông qua vịnh Thái Lan và có thể có cả đường bộ theo đường nội địa.

VIII- Những nhận định của các nhà nghiên cứu
Có nhiều nhận định khác nhau về vai trò của thành thị Óc Eo trong vương quốc cổ:
- Nhà khảo cổ học người Pháp - Louis Malleret cho rằng Óc Eo “Là một đô thị rộng lớn, một thị cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động với mối quan hệ giao thương Âu - Á khá rộng rãi. Đồng thời, đô thị Óc Eo xưa cũng là một di tích tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á”
- Nhà nghiên cứu Lê Xuân Diệm khẳng định: “Vùng di tích quanh núi Ba Thê với phạm vi rộng lớn tập trung nhiều di tích thờ cúng, lăng mộ, thật sự là một trung tâm lớn, đã quy tụ nhiều tinh hoa kỹ thuật - nghệ thuật các mặt của nền văn hóa này. Từ vị trí được xác định như vậy, chắc hẳn vùng này cũng là một trung tâm quyền lực"
Dù hiện nay các học giả trong nước và quốc tế còn đang cố gắng để xây dựng hệ tiêu chí chuẩn nhằm phân lập và định diện những đặc tính tiêu biểu cùng vòng ảnh hưởng của văn hoá Óc Eo, nhưng đại đa số các nhà nghiên cứu đều coi Óc Eo là nền tảng đồng thời là sự phát triển sớm nhất, tiêu biểu của văn hóa Phù Nam và vương quốc Phù Nam.

Nhận xét