Hàng năm cứ vào ngày
14-15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Ok
Om Bok còn gọi là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp”. Đây là lễ hội tưng bừng nhất
và được chờ đợi nhiều nhất trong năm. Đối với người Khmer, mặt trăng được xem
như thần điều tiết mùa màng, giúp bà con làm ăn khá giả, mùa màng bội thu. Lễ hội
thường diễn ra tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, nơi đông đảo bà con Khmer nhất.
Và đặc biệt hơn, Trà Vinh được vinh dự công nhận Lễ hội Ok Om Bok trở thành di
sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ vật cúng Trăng gồm cốm
dẹp, khoai lang, khoai môn, trái cây, bánh dẹp,… bà con phum sóc chuẩn bị trước
cả tháng trước khi diễn ra lễ. Người Khmer lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp, tiếng
quết cốm thình thịch ngày đêm. Khi trăng lên cao cũng là lúc bà con phum sóc tập
hợp đầy đủ tại sân chùa, hướng về mặt trăng tiến hành làm lễ.
Lễ là dịp bà con
tạ ơn, cầu mong thần linh sẽ tiếp tục phù hộ cho năm sau mưa thuận gió hòa, mùa
màng tươi tốt. Sau khi cúng xong, những người lớn tuổi nhất sẽ đút cốm cho các
em nhỏ với lời chúc mau ăn chóng lớn và vỗ nhẹ vào lưng vài lần đồng thời hỏi
nhỏ những điều các em mong muốn. Người Khmer tin rằng, các ước muốn của trẻ nhỏ sẽ là động lực cho người lớn vào năm mới. Đến với lễ hội, du khách được thưởng thức hương vị thơm ngon của cốm dẹp, đặc sản của người Khmer. Và quây quần cùng bà con nhảy múa, hò hát như: hát dù kê, hát rô băm, múa lâm thôn,…
Âm thanh của tiếng trống xa dăm, tiếng chiêng làm rộn rã cả lễ hội. Ngoài ra, du khách được dịp thử sức mình thả lên trời những chiếc đèn gió khổng lồ nhờ đèn gió nhắn gởi thần linh đôi điều ước muốn trở thành hiện thực hay thả đèn nước hi vọng thần nước ban phúc lành cho điều ước của mình. Trên bầu trời đen xa xăm những ngọn đèn lấp lánh như vì sao cứ nối tiếp bay lên thật đẹp mắt, dưới dòng sông lung linh những chiếc đèn đầy màu sắc với nhiều hình thù khác nhau từ hình dáng ngôi đền đến những đóa hoa sen nở rộ.
Ở Trà Vinh sau khi kết
thúc phần lễ, bà con đổ về Ao Bà Om – một thắng cảnh nổi tiếng của Trà Vinh nơi
diễn ra phần hội thật nhộn nhịp. Từ sáng sớm, không khí đã tưng bừng, tràn ngập
cờ hoa, tiếng nhạc ngũ âm hòa cùng tiếng hò reo, cổ vũ của các trò chơi dân
gian như: kéo co, đập nồi, đẩy gậy, chơi cờ ốc, bi sắt,… đã tạo nên không khí
náo nhiệt, đậm chất lễ hội của người Khmer. Tiếp đó, trên con sông Long Bình
dài nhất, mọi người lại tấp nập chuẩn bị cho cuộc đua ghe Ngo đã được khôi phục
trong những năm gần đây.
Chiếc ghe Ngo được làm
từ cây sao, dài khoảng 30m, chứa từ 52 đến 58 tay bơi. Mũi và đuôi cong vút tạc
hình rắn thần Naga, thân ghe chạm hoa văn hình kỷ hà và được sơn màu sắc sặc sỡ.
Đây là nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển
cả. Ngồi mũi ghe là một vị lão làng cầm chịch, giữa ghe là một vị giữ nhịp bằng
cồng hoặc bằng còi. Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi
đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết
định đến tốc độ.
Còn tại Sóc Trăng, “cái
đỉnh” của lễ hội chính là đua ghe Ngo. Với “Lễ hội đua ghe Ngo” trở thành
thương hiệu sản phẩm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng, từ 2013 Chính Phủ đã nâng
tầm lên thành “Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long” làm
cho bà con càng phấn khởi hơn nên mỗi năm Sóc Trăng chính là trung tâm diễn ra sự
kiện lễ hội đặc sắc Ok Om Bok. Mặc cho cái nắng oi ả, hàng trăm nghìn người,
già có, trẻ có, đứng dọc hai bên dòng sông Maspero cùng hò “Hây dơ dơ hây dơ
môn” thật hào hứng và sôi động.
Du khách như có cảm giác nghẹt thở khi xung
quanh những chỗ trống đã lấp đầy, đến đây mới biết tâm trạng háo hức của bà con
lan tỏa khắp cả vùng. Mỗi năm có đến hàng nghìn vận động viên chuyên và không
chuyên tham gia cuộc thi, trong đó có cả những đội ghe nữ. Các đội ghe luyện tập
hàng tháng trời để chuẩn bị cho cuộc thi, những chiếc ghe Ngo luôn được bảo quản
và kiểm tra rất kỹ. Môn thể thao truyền thống này đã trở thành một sự kiện văn
hóa truyền thống lớn ở Việt Nam.
Mỗi lễ hội như một nét
độc đáo mà người Khmer Nam Bộ góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa
Việt. Một lần đến với lễ hội Khmer Nam Bộ, du khách sẽ được hiểu thêm về con
người chân chất, hiền lành, mộc mạc và mến khách ở một vùng đất. Các dân tộc
anh em Kinh, Khmer, Hoa,… luôn hòa hợp với nhau càng làm tăng thêm sắc màu cho
lễ hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét