Cũng như Lễ Vu Lan báo
hiếu của đồng bào dân tộc Kinh, đồng bào Khmer Nam Bộ cùng mang chung nét đẹp đậm
đà bản sắc văn hóa truyền thống đó với ngày lễ Sen Đolta – lễ cúng ông bà tổ
tiên để ghi nhớ ơn sinh thành nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ, là một trong những
lễ lớn trong năm. Sen Đolta dịch ra có nghĩa là “cúng ông bà”, do đó lễ hội bắt
nguồn từ tín ngưỡng dân gian.
Không từng bừng, náo nức
như Tết Chol Chnam Thmay, cũng không nhộn nhịp như lễ Ok Om Bok, lễ Sen Đolta
thâm trầm hơn. Lễ Sen Đolta diễn ra trong 3 ngày, từ 29-8 đến 1-9 âm lịch tại
các ngôi chùa Khmer. Ngày thứ nhất là dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, cúng cơm người
đã khuất. Ngày thứ hai mời ông bà vào chùa nghe tụng kinh. Và ngày thứ ba là
cúng cơm đưa tiễn ông bà. Người Khmer dâng cơm lên các sư sãi và những món đồ
thường dùng để cúng ông bà. Sau khi cúng xong, các lễ vật được đặt vào trong một
chiếc bè kết bằng chuối thả trôi trên dòng sông, kênh rạch để cúng người đã khuất.
Trong ba ngày Đolta có nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và nhiều hoạt động
khác diễn ra đan xen với nhau thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Khmer
Nam Bộ như hòa nhạc ngũ âm, hát dù kê, múa các điệu múa truyền thống,… Đặc biệt,
bà con tập trung đông đảo tổ chức đua bò kéo bừa truyền thống. Nổi bật lên là
“Lễ hội đua bò Bảy Núi” ở An Giang đã trở thành tâm điểm du lịch thu hút hàng
nghìn lượt du khách trong và ngoài nước điển hình là nước bạn Campuchia cũng
mang đến lễ hội những đôi bò chắc khỏe để tranh tài.
Không chỉ tai nghe mà
du khách sẽ chứng kiến cuộc đua bò hoành tráng có một không hai qua sự phối hợp
ăn ý khéo léo giữa các “tài xế” với đôi bò của mình. Sẽ là một ngạc nhiên cho
du khách khi trường đua đơn giản chỉ là một khoảng đất trống được đào sâu, xung
quanh đường đua đắp cao để bà con tiện theo dõi chứ không bằng phẳng như đua xe
hay các cuộc đua khác. Những đôi bò lực lưỡng được các tài xế chăm chút chọn lựa
rất kỹ vì đây là niềm tự hào của phum sóc cho cuộc đua. Vui theo tiếng hò reo,
cỗ vũ nhiệt tình, du khách cảm thấy thật phấn khích và phải trầm trồ, thán phục
trước sự dũng cảm của bà con khi điều khiển những chú bò vượt mặt nhau về đích.
Theo quan niệm của đồng
bào vùng Bảy Núi, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đua bò nào giành được
giải cao không những mang lại niềm kiêu hãnh cho chủ nhân đôi bò mà còn mang đến
cho cả phum sóc một niềm vui, một nghị lực để giành nhiều thắng lợi trên các
lĩnh vực khác, như bò của phum sóc có sức khỏe dẻo dai, cày bừa tốt, giúp cho
bà con thực hiện gieo trồng được dễ dàng, đem lại mùa màng bội thu, dân làng no
ấm.
Lễ hội Sen Đolta vừa thể
hiện được truyền thống “cây có cội, nước có nguồn” vừa giúp cho gia đình sum họp,
đầm ấm và thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau giữa các phum sóc. Đến với lễ
hội du khách sẽ có cái nhìn mới hơn về cách sinh hoạt và các phong tục của người
Khmer Nam Bộ ngày nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét